Huyết áp cao có thể âm thầm gây hại cho cơ thể trong nhiều năm trước khi các triệu chứng biểu hiện ra ngoài. Khoảng một nửa số người bị tăng huyết áp không được điều trị chết vì bệnh tim như bệnh lý thiểu năng vành hay đột quỵ. Điều trị tích cực và thay đổi lối sống có thể giúp kiểm soát huyết áp cao, giảm nguy cơ biến chứng đe dọa tính mạng. Dưới đây là một số biến chứng có thể xảy ra nếu huyết áp không được kiểm soát tốt:
- Tổn thương mạch
Động mạch khỏe mạnh là phải có sự linh hoạt, sức bền và sự đàn hồi. Lớp lót bên trong của động mạch cần phải trơn tru để máu có thể lưu thông, cung cấp cho các cơ quan và mô quan trọng các chất dinh dưỡng và oxy. Tăng huyết áp dần làm tăng áp lực máu chảy qua các động mạch. Điều này sẽ gây ra một số vấn đề như:
Gây tổn hại và hẹp lòng động mạch. Huyết áp cao có thể gây hại cho các tế bào lót bên trong lòng động mạch. Chất béo trong máu có thể bám vào các điểm tổn thương. Lâu ngày, thành động mạch của bạn trở nên kém đàn hồi, hạn chế lưu lượng máu đi khắp cơ thể và tạo điều kiện cho việc hình thành các huyết khối.
Chứng phình động mạch. Theo thời gian, sự tăng áp lực liên tục của máu lên thành động mạch khiến một điểm nào đó bị suy yếu gây ra hiện tượng mở rộng và tạo thành một khối phình (phình động mạch). Thành mạch chỗ phình rất yếu, nếu vỡ ra sẽ gây chảy máu bên trong, đe dọa tính mạng. Chứng phình động mạch có thể hình thành trong bất kỳ động mạch nào trên khắp cơ thể, nhưng chúng phổ biến nhất ở các động mạch lớn (động mạch chủ).
2. Ảnh hưởng đến hoạt động của tim
Tim có nhiệm vụ bơm máu đến toàn bộ cơ thể. Huyết áp cao khiến tim phải làm việc nhiều hơn, gây nên các chứng dãn cơ tim, rối loạn nhịp tim. Ngoài ra một số vấn đề liên quan đến mạch vành có thể gây nên các chứng như thiểu năng vành, đột quỵ tim. Tim hoạt động quá sức lâu ngày có thể dẫn đến suy tim, gây ra nhiều hệ lụy.
3. Tổn thương não
Giống như tim, bộ não phụ thuộc vào nguồn cung cấp máu nuôi dưỡng để hoạt động và tồn tại. Nhưng huyết áp cao có thể gây ra một số vấn đề, bao gồm:
Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) là một sự gián đoạn ngắn, tạm thời của việc cung cấp máu cho não. Nó thường được gây ra bởi chứng xơ vữa động mạch hoặc do cục máu đông – cả hai đều có thể phát sinh do huyết áp cao. Một cơn thiếu máu não thoáng qua thường là một sự báo trước của một cơn đột quỵ toàn diện.
Đột quỵ, xảy ra khi một phần não của bạn bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng, khiến các tế bào não chết đi. Huyết áp cao không được kiểm soát có thể dẫn đến đột quỵ do nó làm tổn thương và làm yếu các mạch máu não, khiến chúng bị hẹp, vỡ hoặc gây rò rỉ máu. Huyết áp cao cũng có thể khiến cục máu đông hình thành trong các động mạch đi lên và kẹt ở các mạch máu nhỏ ở não, ngăn chặn lưu lượng máu và tăng nguy cơ nhồi máu não.
Sa sút trí tuệ, là bệnh lý mà chức năng não bộ không hoạt động ổn định. Có nhiều nguyên nhân gây sa sút trí tuệ, một trong số đó liên quan đến mạch máu, là hậu quả của việc mạch máu nuôi não bị tổn thương và hẹp trong thời gian dài. Nó cũng có thể là kết quả của đột quỵ gây ra bởi sự gián đoạn lưu lượng máu đến não. Trong cả hai trường hợp, huyết áp cao đều có thể là thủ phạm.
Suy giảm nhận thức mức độ nhẹ. Suy giảm nhận thức nhẹ là giai đoạn chuyển tiếp giữa những thay đổi về hiểu biết và trí nhớ đi kèm với sự lão hóa và các vấn đề nghiêm trọng hơn do bệnh Alzheimer gây ra. Giống như chứng mất trí, nó có thể là kết quả của việc lưu thông máu đến não khi huyết áp cao làm tổn thương động mạch.
4. Tổn thương thận
Thận có chức năng lọc bỏ các chất thải từ máu – quá trình này phụ thuộc nhiều vào các mạch máu khỏe mạnh. Huyết áp cao có thể làm tổn thương cả mạch máu trong và cũng như dẫn đến thận. Nếu bệnh nhân có kèm theo huyết áp cao thì tình trạng bệnh sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều, nặng hơn là dẫn đên suy thận. Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây suy thận. Đó là bởi vì nó có thể làm hỏng cả các động mạch lớn dẫn đến thận, phình động mạch thận và các mạch máu nhỏ (cầu thận) trong thận. Chức năng thận suy giảm sẽ khiến cho các chất thải độc hại tích tụ trong cơ thể. Cuối cùng khi thận mất chức năng, bệnh nhân sẽ phải cần đến lọc máu hoặc ghép thận.
5. Ảnh hưởng tới mắt
Các mạch máu nhỏ cung cấp máu cho mắt của bạn, giống như các mạch máu ở vùng khác, chúng cũng có thể bị tổn thương do huyết áp cao:
Tổn thương mạch máu mắt (bệnh võng mạc). Huyết áp cao có thể làm hỏng các mạch cung cấp máu cho võng mạc, gây ra bệnh võng mạc. Tình trạng này có thể dẫn đến chảy máu mắt, mờ mắt và mất hoàn toàn thị lực. Nếu bạn cũng bị cả bệnh tiểu đường và huyết áp cao, thì nguy cơ này cao hơn rất nhiều.
Chất lỏng tích tụ dưới võng mạc (bệnh màng đệm). Chất lỏng tích tụ dưới võng mạc do một mạch máu bị rò rỉ trong một lớp mạch máu nằm dưới võng mạc. Bệnh màng đệm có thể dẫn đến tầm nhìn bị sai lệch hoặc trong một số trường hợp sẹo làm suy yếu thị lực.
Tổn thương thần kinh (bệnh thần kinh thị giác). Đây là một tình trạng trong đó lưu lượng máu bị chặn làm hỏng dây thần kinh thị giác. Nó có thể tiêu diệt các tế bào thần kinh trong mắt của bạn, có thể gây chảy máu trong mắt hoặc mất thị lực.
6. Rối loạn chức năng tình dục
Mặc dù việc không thể có và duy trì sự cương cứng (rối loạn cương dương) ngày càng trở nên phổ biến ở nam giới khi họ đến tuổi 50, nhưng điều đó thậm chí còn xảy ra nhiều hơn nếu họ bị huyết áp cao. Theo thời gian, huyết áp cao làm tổn thương niêm mạc mạch máu và làm cho các động mạch cứng lại và hẹp (xơ vữa động mạch), hạn chế lưu lượng máu. Điều này có nghĩa là ít máu có thể chảy đến dương vật. Đối với một số nam giới, lưu lượng máu giảm làm cho khó đạt được và duy trì sự cương cứng – thường được gọi là rối loạn cương dương. Vấn đề khá phổ biến, đặc biệt là ở những người huyết áp cao nhưng không được điều trị phù hợp.
Phụ nữ cũng có thể bị rối loạn chức năng tình dục do tác dụng phụ của huyết áp cao. Huyết áp cao có thể làm giảm lưu lượng máu đến âm đạo. Đối với một số phụ nữ, điều này dẫn đến giảm ham muốn tình dục hoặc kích thích, khô âm đạo hoặc khó đạt được cực khoái.
Huyết áp cao cũng có thể ảnh hưởng đến các khu vực khác của cơ thể, dẫn đến các vấn đề như:
Loãng xương. Huyết áp cao có thể làm tăng lượng canxi đào thải qua nước tiểu.Việc loại bỏ quá nhiều canxi có thể dẫn đến giảm mật độ xương (loãng xương), từ đó có thể dẫn đến gãy xương. Nguy cơ đặc biệt tăng lên ở phụ nữ lớn tuổi.
Khó ngủ. Ngưng thở khi ngủ – tình trạng cơ cổ họng thư giãn khiến bạn ngáy to hơn- xảy ra ở hơn một nửa số người bị huyết áp cao. Ngoài ra, thiếu ngủ do ngưng thở khi ngủ cũng có thể làm tăng huyết áp.
Với những nguy hại hoàn toàn có thể xảy ra như đã liệt kê ở trên, bệnh nhân tăng huyết áp cần chủ động chú ý theo dõi chỉ số huyết áp và tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ trong điều trị, cũng như có chế độ sống lành mạnh để giảm tối đa các nguy cơ mắc những biến chứng nguy hiểm.