Tăng huyết áp là một căn bệnh vô cùng phổ biến, nhưng không phải ai cũng thực sự có đủ kiến thức để nhận thức rõ ràng được sự nguy hiểm của bệnh. Chúng ta thường rất chủ quan trong việc khám để phát hiện bệnh cũng như tuân thủ điều trị. Điều này khiến cho cơ thể có nguy cơ phải đối mặt với những biến chứng vô cùng phức tạp và nguy hiểm. Để tránh gặp phải những tình trạng này, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ và nghiêm túc giữa bệnh nhân và bác sĩ trong việc điều trị tăng tăng huyết áp. Dưới đây là những biến chứng tiêu biểu:
- Gây tổn thương động mạch.
Các động mạch trong cơ thể phải chắc chắn, đàn hồi và trơn tru để máu có thể dễ dàng di chuyển từ phổi và tim, nơi tế bào máu lấy oxy, đến các cơ quan và các mô khác. Huyết áp cao tạo nên lực đẩy quá mạnh vào thành động mạch, điều này gây tổn hại cho bên trong lòng mạch và tạo điều kiện cho chất béo, hoặc mảng bám dễ dàng tích tụ lại. Các mảng bám đó làm cho các động mạch cứng và hẹp hơn, dẫn đến không thực hiện đầy đủ được chức năng của chúng.
- Gây phình động mạch
Xảy ra khi có áp lực mạnh liên tục tác động lên thành động mạch, khiến nó trở nên yếu và phình lên. Khi khối phình này vỡ ra sẽ gây chảy máu bên trong cơ thể, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng này có thể xảy ra trong bất kỳ động mạch nào, nhưng phổ biến nhất là ở động mạch chủ, chạy xuống các mạch máu ở giữa cơ thể. Nếu bệnh nhân có tổn thương động mạch, thì tình trạng phình động mạch có thể xảy ra ngay cả khi không có huyết áp cao.
- Bệnh mạch vành (CAD)
Bệnh mạch vành xảy ra khi mảng bám tích tụ trong các động mạch gần với tim. Điều này làm chậm lưu lượng máu, có thể gây ra các cơn đau ngực hoặc nhịp tim bất thường (hay còn gọi là rối loạn nhịp tim). Sự tắc nghẽn hoàn toàn có thể gây ra các tình trạng đột quỵ.
- Đột quỵ
Khi các mảng bám tích tụ đủ lớn, kết cấu bị lỏng lẻo và có thể bị bật ra do tác động của dòng máu. Các mảng bám này đi theo dòng máu lên tim, có thể bị tắc lại ở một mạch máu nào đó, gây ra các cơn đau tim. Sự tắc nghẽn làm cho cơ tim không được cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng, dẫn đến tổn thương hoặc chết các tế bào cơ tim.
Bệnh nhân thường cảm thấy bị đè nặng hoặc đau ở ngực, thậm chí là đau cả ở cánh tay, cổ hoặc hàm. Ngoài ra còn xuất hiện tình trạng khó thở, chóng mặt hoặc buồn nôn.
- Bệnh động mạch ngoại biên (PAD)
Bệnh đông mạch ngoại biên cũng giống như bệnh mạch vành, nhưng nó ảnh hưởng đến các mạch máu ở xa tim, như những mạch máu ở tay, chân, đầu hoặc ở dạ dày. Bệnh nhân có thể bị đau hoặc chuột rút ở chân, thường là khi đi bộ hoặc leo cầu thang. Nó cũng có thể gây ra mệt mỏi. Cơn đau có thể biến mất khi nghỉ ngơi và đau trở lại khi tiếp tục vận động. Nếu không được điều trị, bệnh động mạch ngoại biên có thể dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng như đột quỵ, loét và mất sự lưu thông ở vùng chân, tệ hơn có thể gây hoại tử, phải cắt cụt chi.
- Suy tim
Huyết áp cao có thể khiến các động mạch bị thu hẹp. Theo thời gian, điều này có thể khiến tim phải làm việc vất vả hơn và yếu đi. Cuối cùng, khi tim trở nên yếu đến mức không thể cung cấp đủ máu cho phần còn lại của cơ thể, thì đây chính là tình trạng suy tim.
- Giãn nở cơ tim
Khi tim phải hoạt động mạnh hơn để đưa máu đi khắp cơ thể, cơ tim sẽ dày lên. Kết quả là toàn bộ trái tim sẽ trở nên lớn hơn. Càng lớn, tim càng ít có khả năng thực hiện chức năng của mình, điều đó có nghĩa là các mô, cơ quan sẽ không nhận được lượng oxy và chất dinh dưỡng cần thiết.
- Suy giảm trí nhớ
Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân gây nên sự hình thành các mảng bám ở những động mạch cung cấp máu cho não. Những mảng bám bị tách ra, gây nên các cục máu đông làm chậm lại dòng chảy của máu tới các phần còn lại của cơ thể. Khi điều này làm ảnh hưởng đến sự hoạt động của não, nó được gọi là suy giảm trí nhớ thể mạch máu.
Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ, ngôn ngữ, thị giác cũng như khả năng ghi nhớ của bệnh nhân, thậm chí còn ảnh hưởng đến khả năng vận động. Những triệu chứng thường diễn ra dần dần trong thời gian dài, nhưng nếu có xảy ra tình trạng đột quỵ, thì chúng ta sẽ có thể thấy những triệu chứng diễn ra rất nhanh.
- Suy thận
Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra suy thận. Huyết áp cao kéo dài sẽ khiến các mạch máu tới thận bị xơ cứng và thu hẹp lại, dẫn đến các nephron – bộ lọc đặc biệt giúp loại bỏ chất cặn bã và chất dịch dư thừa của cơ thể – không được nhận đủ máu và chất dinh dưỡng. Điều này khiến thận dần suy giảm chức năng.
- Biến chứng mắt
Theo thời gian, huyết áp cao có thể làm chậm lưu lượng máu đến võng mạc, là lớp mô nhạy cảm với ánh sáng ở phía sau nhãn cầu. Nó cũng có thể làm chậm quá trình di chuyển của máu đến dây thần kinh thị giác, giúp gửi tín hiệu đến não, làm giảm hoặc có thể mất hoàn toàn tầm nhìn. Huyết áp cao cũng có thể gây ra sự tích tụ dịch dưới võng mạc, chèn ép hình thành sẹo ở các mô và làm biến dạng tầm nhìn của mắt.
- Ảnh hưởng đến chức năng sinh lý nam giới.
Huyết áp cao có thể làm chậm lưu lượng máu bất cứ nơi nào trong cơ thể. Không có đủ máu đến dương vật sẽ khiến nam giới gặp vấn đề trong việc cương cứng. Nếu bạn vẫn nghĩ rằng bạn khỏe mạnh, thì đây có thể là một dấu hiệu cho thấy bạn cần gặp bác sĩ để kiểm tra huyết áp cao và loại trừ các vấn đề sức khỏe liên quan.
- Ảnh hưởng đến chức năng sinh lý nữ
Cơ thể có thể có những phản ứng khác nhau do lưu lượng máu đến âm đạo ít hơn, cả trước và trong khi quan hệ. Cơ thể sẽ không cảm thấy kích thích khi chúng ta có nhu cầu, và có thể khó để đạt khoái cảm. Huyết áp cao cũng có thể khiến cơ thể mệt mỏi hơn, từ đó cũng làm giảm ham muốn tình dục.
- Loãng xương
Những người bị huyết áp cao thường có lượng canxi trong nước tiểu cao hơn bình thường. Có thể là do huyết áp cao khiến cơ thể loại bỏ quá nhiều khoáng chất này, đây là chất rất quan trọng đối với sự chắc khỏe của xương. Điều này có thể dẫn đến rạn nứt hoặc gãy xương, đặc biệt là ở phụ nữ lớn tuổi.
- Chứng ngưng thở khi ngủ
Nếu mắc chứng ngưng thở khi ngủ, cơ thể sẽ không nhận được lượng oxy cần thiết trong lúc ngủ. Nhằm phản ứng lại với việc thiếu oxy, tim, phổi và thận của bạn sẽ phải làm việc nhiều hơn, gây nên tăng huyết áp, từ đó tạo nên vòng lặp bệnh lý. Điều này xảy ra vào mỗi đêm trong nhiều tuần, đến nhiều tháng và nhiều năm. Tình trạng này hay bị bỏ qua vì không có nhiều bác sĩ hỏi về điều này và cũng không có nhiều bệnh nhân để ý chuyện này.
Nguồn tham khảo: https://www.webmd.com/hypertension-high-blood-pressure/ss/slideshow-high-blood-pressure-effects