Đau ngực là một trong những lý do hay gặp nhất khiến bệnh nhân phải đi khám tại khoa Cấp cứu: chiếm khoảng 8- 10%. Bệnh nhân đến khám với bệnh cảnh lâm sàng rất đa dạng. Nhiều khi triệu chứng đau ngực không điển hình khiến có khoảng 8-10% số bệnh nhân có hội chứng mạch vành bị bỏ sót không được chẩn đoán.
Cơn đau thắt ngực là cơn đau hoặc khó chịu ở ngực xảy ra khi tim không nhận đủ lượng máu và ô-xy cần thiết. Trong một cơn đau thắt ngực, nhu cầu gia tăng về lưu lượng máu không được đáp ứng trong một thời gian ngắn. Khi không còn nhu cầu gia tăng về lưu lượng máu nữa, các triệu chứng đau thắt ngực cũng hết.
Chứng đau thắt ngực và đau tim có cùng nguyên nhân cốt lõi: xơ vữa động mạch. Đó là sự tích tụ của các chất béo (mảng bám) trong các động mạch vành. Nếu một hoặc nhiều động mạch bị tắc một phần, khiến cho lượng máu chảy qua không đủ, bạn sẽ cảm thấy đau hoặc khó chịu ở ngực. Mặc dù cơn đau thắt ngực có thể đến rồi đi, nhưng đó là dấu hiệu của bệnh tim và có thể điều trị được. Thay đổi lối sống, dùng thuốc, các thủ thuật y khoa và phẫu thuật có thể giúp giảm nhẹ chứng đau thắt ngực.
Ngoài cơn đau thắt ngực đơn thuần, thì đau ngực còn là dấu hiệu của một số tình trạng bệnh lý nghiêm trong như:
- Bóc tách thành động mạch chủ
- Tắc động mạch phổi
- Tràn khí màng phổi
- Bệnh lý trung thất (vd. vỡ thực quản…)
- Nguyên nhân từ tim/màng tim
- Nguyên nhân từ phổi/màng phổi
- Thành ngực/cơ/xương
- Tiêu hóa
- Nguyên nhân khác: herpes zoster; bệnh hệ thống; cận ung thư…
Các triệu chứng của một cơn đau thắt ngực điển hình là: Đau như thắt, bóp nghẹt hoặc đè nặng (như hòn đá nặng đè hoặc như ai thò tay vào ngực bóp mạnh) ngay sau xương là đặc điểm điển hình của nguyên nhân bệnh động mạch vành. Ngoài ra có thể đau rát bỏng từ bụng lên có thể nghĩ đến của bệnh trào ngược thực quản. Đau rát theo nhịp thở có thể do nguyên nhân bệnh màng tim hoặc màng phổi hoặc đau nhấm nhói như dùi đâm tại một điểm thường do nguyên nhân thần kinh, tâm lý hoặc cơ học tại chỗ.
Đau thắt ngực do bệnh động mạch vành thường đau ngay sau xương ức, lan lên cằm rồi lan lên vai trái sau đó xuống mặt trong cánh tay trái. Đau ngực nhiều, sâu và lan về phía sau lưng cần nghĩ tới tách thành mạch chủ.
Những yếu tố tác động đến đau ngực:
- Đau thắt ngực do bệnh động mạch vành thường xảy ra khi gắng sức, đỡ khi nghỉ hoặc dùng nitroglycerin
- Đau ngực do bệnh màng tim hoặc phổi thường bị ảnh hưởng của tư thế hoặc nhịp thở
- Đau khi chạm hoặc ấn vào thành ngực như viêm khớp ức sườn, hội chứng thần kinh liên sườn, virus herpes.
- Đau do nguyên nhân tiêu hóa lại thường liên quan đến bữa ăn (sau ăn hoặc khi đói), tăng khi nằm và không đỡ khi nghỉ hoặc dùng nitroglycerin…
Cơn đau thắt ngực có thể xảy ra sau khi gắng sức như:
- Leo cầu thang hoặc mang vác đồ nặng
- Cảm xúc thái quá như quá tức giận, quá buồn, quá vui,…
- Làm việc trong thời tiết rất nóng hoặc rất lạnh
- Ăn quá nhiều trong một lúc
- Luyện tập qua sức
Cơn đau thắt ngực là một bệnh lý liên quan rất nhiều đến chế độ sinh hoạt. Tuy bệnh lý này có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu tích cực thay đổi để có một cuộc sống lành mạnh hơn. Một số bước đơn giản sau đây có thể giúp bạn phòng tránh cũng như giảm các cơn đau tái phát như:
- Bỏ thuốc lá và tránh hít phải khỏi thuốc thụ động
- Ăn những bữa ăn có ít chất béo bão hòa, chất béo chuyển dạng, cholesterol và muối
- Kiểm soát huyết áp cao và mức cholesterol trong máu
- Tránh nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp
- Tránh những hoạt động phải gắng sức
- Học cách thư giãn và kiểm soát sự căng thẳng
- Gọi cho bác sĩ nếu cơn đau thắt ngực của bạn thay đổi, chẳng hạn khi bạn bị đau thắt ngực khi đang nghỉ ngơi hoặc nếu cơn đau trở nên tồi tệ hơn.
Những người gặp phải tình trạng thiếu máu cơ tim thường xuyên có thể dễ gặp phải các vấn đề nghiêm trọng về tim mạch như đột quỵ tim, gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, nếu chúng ta có ít nhất một trong các triệu chứng đau ngực kể trên, cần tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ để nắm rõ tình trạng sức khỏe của bản thân, từ đó có những biện pháp điều trị khắc phục kịp thời.