Sắt là một trong những khoáng chất quan trọng và cần thiết đối với cơ thể của chúng ta. Cơ thể sử dụng sắt làm nguyên liệu tổng hợp nên hai loại protein là Hemoglobin (hồng cầu) và Myoglobin (trong cơ). Hemoglobin giúp cho hồng cầu vận chuyển oxi từ phổi đến các cơ quan khác trong cơ thể, còn Myoglobin mang oxy đến các cơ. Sắt cũng rất quan trọng trong việc tổng hợp các hormone cũng như gân, cơ và mô liên kết.
Nếu cơ thể thiếu sắt nhẹ, chúng ta sẽ không nhận thấy sự khác biệt gì lớn vì cơ thể sẽ lấy lượng sắt dự trữ từ cơ, xương, gan, và những nơi khác. Nhưng đến khi những nguồn này cạn kiệt, tế bào hồng cầu sẽ trở nên nhỏ hơn và mang được ít hơn hemoglobin. Điều này cũng có nghĩa là cũng có ít oxi hơn được vận chuyển đến các vùng của cơ thể, đây chính là một dạng thiếu máu.
Khi cơ thể thiếu máu do thiếu sắt sẽ có một số triệu chứng dễ nhận biết như: Mệt mỏi, yếu ớt, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, mạch nhanh, tay chân lạnh, hoặc có vấn đề về tiêu hóa. Điều này cũng khiến hệ miễn dịch – hàng rào bảo vệ của cơ thể – dễ bị phá vỡ hơn, dẫn đến chúng ta thường xuyên mắc phải các bệnh lý nhiễm khuẩn thông thường, nhiệt độ cơ thể cũng có thể thường xuyên cao hơn nhiệt độ tiêu chuẩn. Thậm chí những vấn đề này còn ảnh hưởng tới khả năng suy nghĩ cũng như ghi nhớ vấn đề của bạn. Trẻ em bị mắc chứng thiếu máu do thiếu sắt sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng tư duy trong học tập.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến cơ thể thiếu sắt?
Phần lớn nguyên nhân là do chế độ ăn không được đầy đủ hoặc do bạn ăn quá ít thịt, cá hay thịt gia cầm. Cơ thể cũng có thể bị thiếu hụt một lượng sắt lớn khi mất nhiều máu do phẫu thuật, tai nạn đột ngột hoặc các bệnh lý như loét dạ dày, giun móc, ung thư đại tràng,…Phụ nữ thường có nguy cơ thiếu máu nhiều hơn đàn ông do thường xuyên bị mất một lượng máu lớn hàng tháng khi trong chu kì kinh nguyệt. Nồng độ sắt trong máu cũng sẽ giảm dần khi bạn già đi và ăn ít hơn.
Bao nhiêu sắt là đủ cho cơ thể hoạt động bình thường?
Đối với đàn ông, nhu cầu sắt mỗi ngày là 8 milligrams (mg)/ngày, đối với phụ nữ từ 19 đến 50, nhu cầu sắt nhiều hơn gấp đôi là 18mg/ngày. Nhu cầu về sắt còn tăng cao hơn rất nhiều đối với phụ nữ có thai là 27mg, và sau khi sinh thì nhu cầu giảm xuống còn khoảng 17 mg/ngày. Sau tuổi 50, phụ nữ mãn kinh sẽ có nhu cầu sắt giảm xuống bằng với đàn ông, là khoảng 8mg/ ngày.
Nếu bạn là người ăn chay, thì việc bổ sung sắt sẽ có một chút khác biệt. Cơ thể hấp thu sắt từ rau củ quả khó hơn rất nhiều so với từ protein động vật như cá, gà hoặc thịt. Đó là lí do vì sao các chuyên gia thường khuyến cáo những người ăn chay cần nạp lượng sắt nhiều hơn những người ăn thịt. Cụ thể là 14mg cho đàn ông và 32 mg cho phụ nữ từ 19-40. Để có thể có được lượng sắt như vậy mỗi ngày, những người ăn chay cần phải ăn đa dạng thực phẩm hơn và đồng thời bổ sung nhiều vitamin C trong các loại rau quả như cam, ớt chuông, dâu tây, súp lơ,… Bởi vì, vitamin C là yếu tố cần thiết giúp cơ thể tăng khả năng hấp thu sắt.
Có rất nhiều loại thực phẩm có thể cung cấp sắt cho cơ thể. Hàu, gan bò, đậu trắng, đậu lăng và rau chân vịt là một số loại thực phẩm chứa nhiếu sắt nhất. Thịt nạc, hải sản và thịt gia cầm là nguồn thực phẩm từ động vật tuyệt vời và cũng giúp cơ thể bạn hấp thụ sắt từ các thực phẩm khác như các loại đậu, hạt, trái cây khô, ngũ cốc nguyên hạt và rau xanh. Sắt cũng có trong nhiều sản phẩm ăn liền như bánh mì và ngũ cốc ăn sáng. Hãy kiểm tra trên bao bì sản phẩm để biết được hàm lượng sắt chứa trong khẩu phần bạn ăn mỗi ngày.
Trên thực tế, hầu hết mọi người có thể nhận đủ lượng sắt cần thiết thông qua thức ăn. Quá nhiều chất sắt có thể gây ra co thắt dạ dày, táo bón, buồn nôn, tiêu chảy và chóng mặt. Nó cũng có thể làm cho cơ thể bạn khó hấp thụ đủ kẽm. Nếu bổ sung quá nhiều sắt trong các loại tực phẩm chức năng có thể gây ra các vấn đề đe dọa tính mạng ở trẻ dưới 6 tuổi. Hầu hết người lớn không nên dùng hơn 45 mg mỗi ngày và tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Đối với phụ nữ có thai, nhu cầu sắt sẽ nhiều hơn để theo kịp lượng máu nuôi dưỡng em bé đang lớn dần trong bụng. Nếu không đủ sắt, đứa trẻ có thể sẽ bị sinh non hoặc sinh ra thiếu cân. Thậm chí có thể gây ra vấn đề liên quan đến não bộ của trẻ. Khoảng 10% trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi không được cung cấp đủ sắt. Nếu trẻ sinh non hoặc thiếu cân, lượng sắt dự trữ sẽ rất ít. Ngay cả với một đứa trẻ đủ tháng thì cũng chỉ đủ dùng trong vài tháng. Vì vậy, nếu không được bổ sung, việc thiếu sắt sẽ sớm xảy ra và gây ra những hậu quả khó lường.