Bệnh tim là vấn đề sức khỏe rất nghiêm trọng phổ biến nhất ở cả nam và nữ, nhưng nó không ảnh hưởng đến hai giới tính theo cùng một cách. Một số bệnh liên quan đến tim có nhiều khả năng xảy ra ở phụ nữ hơn và các triệu chứng có thể khác nhau đối với hai giới tính. Là phụ nữ, điều quan trọng là bạn phải biết những gì cần theo dõi và làm thế nào để bảo vệ bản thân khi ngày một già đi. Chúng ta thường thấy trong phim ảnh, mọi người đều bị đau ngực khi bị đau tim, thế nhưng trong cuộc sống thực, phụ nữ có thể có các triệu chứng ít rõ ràng hơn và có tỉ lệ bị khó thở nhiều tương đương với triệu chứng đau ngực. Bệnh nhân cũng có thể cảm thấy đau ở hàm, lưng hoặc bụng trên và cũng có thể cảm thấy mệt mỏi nhẹ, buồn nôn,…
Phụ nữ có thể gặp nhiều các tình trạng bệnh lý như:
Bóc tách động mạch vành (SCAD) là khi một tình trạng bệnh lý khá nghiêm trọng có thể xảy ra, là khi một mảnh của thành mạch máu bị bóc tách ra và rơi vào lòng mạch. Nguyên nhân có thể là do thành mạch bị tổn thương, mất cấu trúc do xơ vữa động mạch. Điều này có thể làm chậm hoặc làm tắc dòng máu khi chảy tới mạch máu nhỏ hơn và dẫn đến đau ngực dữ dội và các triệu chứng khác có thể cảm thấy giống như một cơn đau tim. Đây là một tình trạng nghiêm trọng cần được điều trị nhanh chóng. Phụ nữ có nhiều khả năng mắc bệnh lý này hơn nam giới, đặc biệt là với phụ nữ mới sinh con.
Hội chứng trái tim tan vỡ
Nguyên nhân của hội chứng này là do cơ tim bị căng thẳng gây ra, và nó có nhiều khả năng xảy ra với phụ nữ hơn nam giới. Nó gây ra bởi sự giải phóng đột ngột của các loại hormone gây căng thẳng, và nó xảy ra sau những sự kiện gây xúc động mạnh như ly hôn hoặc cái chết của thành viên trong gia đình. Một phần của tim trở nên lớn hơn và không thể bơm máu như bình thường. Điều đó gây đau ngực dữ dội, nhưng nếu được điều trị nhanh chóng có thể phục hồi hoàn toàn.
Mãn kinh
Mặc dù mãn kinh không trực tiếp gây ra bệnh tim, nhưng những thay đổi tự nhiên xảy ra với cơ thể trong thời kỳ mãn kinh có thể khiến chúng ta dễ mắc bệnh này. Khi mức estrogen đi xuống, các động mạch có thể trở nên cứng hơn. Và huyết áp, mỡ bụng và LDL (hay cholesterol xấu) cũng có thể tăng sau khi mãn kinh. Luôn có thái độ sống tích cực để giúp giữ cho trái tim của bạn khỏe mạnh sau những thay đổi tất yếu này.
Tình trạng viêm
Nếu bạn mắc một số bệnh gây ra viêm như viêm khớp dạng thấp hoặc lupus, khả năng mắc bệnh tim của bạn sẽ cao hơn. Điều này xảy ra ngay cả khi bạn còn trẻ, có tập luyện thể dục và không hút thuốc. Việc giữ tình trạng viêm không tái phát thường xuyên rất quan trọng, nhưng cần cố gắng tránh xa Steroid – là chất gây nên nhiều nguy cơ mắc bệnh tim. Hãy nhờ cậy đến sự giúp đỡ của bác sĩ khi cần thiết.
Trầm cảm
Vấn đê này có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tim và phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm cao gấp đôi so với nam giới. Nó có thể làm cho chúng ta ít có khả năng duy trì hoạt động cơ bản và chăm sóc sức khỏe bản thân, luôn căng thẳng và lo lắng liên tục có thể gây căng thẳng cho trái tim.
Bệnh tiểu đường
Tình trạng này cũng có thể làm tăng gấp đôi khả năng mắc bệnh tim của phụ nữ. Một lý do là lượng đường trong máu cao làm chậm dòng chảy của máu trong lòng mạch, có thể dẫn đến sự tích tụ mảng bám trong động mạch. Một điều nữa là phụ nữ mắc bệnh tiểu đường có thể dễ bị béo phì, huyết áp cao cũng như cholesterol máu cao. Bệnh nhân nên kiểm soát cân nặng và lượng đường trong máu bằng chế độ ăn uống và tập thể dục.
Phụ nữ quá gầy cũng có thể bị bệnh tim
Phụ nữ thừa cân, đặc biệt là nếu họ có mỡ bụng, có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn. Nhưng thon thả không có nghĩa là bạn có thể hoàn toàn tránh được vấn đề này. Phụ nữ mảnh mai vẫn có thể có cholesterol cao hoặc huyết áp cao và nếu bạn còn hút thuốc – thì ba yếu tố này sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Để phần nào chủ động phòng ngừa những bệnh về tim ở phụ nữ, chúng ta nên chú ý các vấn đề như:
Kiểm tra xem những thành viên trong gia đình có ai mắc bệnh về tim không?
Nếu mẹ hoặc chị gái của bạn bị bệnh tim trước 65 tuổi, hoặc nếu mẹ bạn từng bị đột quỵ, bạn có thể dễ bị bệnh tim hơn. Điều đó không có nghĩa là bạn sẽ bị đau tim hoặc đột quỵ, nhưng hãy chắc chắn rằng bác sĩ biết tiền sử gia đình của bạn. Điều này sẽ giúp ích cho bác sĩ trong việc chẩn đoán và chỉ định.
Bỏ thuốc lá
Phụ nữ hút thuốc có nguy cơ bị đau tim cao hơn 25% so với đàn ông. Nó làm hỏng mạch máu, làm tăng huyết áp và có thể dẫn đến hình thành cục máu đông. Nguy cơ này thậm chí còn cao hơn nếu bạn còn uống thuốc tránh thai, đặc biệt là sau 35 tuổi.
Theo dõi Cholesterol máu
Cholesterol có thể tích tụ trong động mạch và dẫn đến hình thành mảng bám cứng lại theo thời gian và làm tắc nghẽn động mạch. Xét nghiệm máu nhanh có thể đưa ra được kết quả Cholesterol rất nhanh chóng. Để giảm lượng cholesterol xấu (LDL), hãy tập trung vào những thay đổi đơn giản trong lối sống như theo dõi lượng chất béo và đường trong chế độ ăn uống, tập thể dục nhiều hơn.
Giữ cân nặng khỏe mạnh
Ăn nhiều thực phẩm tươi, nguyên chất, đặc biệt là những thực phẩm ít calo, natri và chất béo chuyển hóa. Và tìm các hoạt động thú vị khiến bạn vận động nhiều hơn: Đi bộ với bạn bè, tham gia lớp học Zumba hoặc yoga.
Chú ý sức khỏe khi mang thai
Khi bạn mang thai, tim cần bơm máu nhiều hơn. Điều này có thể gây áp lực cho tim và động mạch. Quá trình chuyển dạ và sinh nở có thể gây thêm nhiều đau đớn và áp lực hơn nữa. Phụ nữ có vấn đề về nhịp tim hoặc van tim nên theo dõi tình trạng khó thở, nhịp tim nhanh hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng trong khi mang thai. Nếu bạn bị huyết áp cao từ trước hoặc trong khi mang thai, nó có thể dẫn đến một rối loạn nghiêm trọng được gọi là tiền sản giật, tình trạng này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho cả mẹ và bé.